Kiến trúc kinh điển Atlas - gánh cả bầu trời

Atlas - gánh cả bầu trời

Cập nhật: 28/07/2016
Cột trụ hay Console kiểu Atlas là cực kỳ phổ biến trong kiến trúc châu Âu cổ điển, dạo gần đây cũng thấy lây lan sang Việt nam gắn tá lả trên mặt tiền lâu đài các phú hộ. Của đáng tội là hầu hết trông rất cẩu thả và buồn cười, phần vì chủ nhân chả mấy khi vặn vẹo mà thợ chạm thì làm đủ các bộ phận đã túa mồ hôi rồi. Việc bắt chước các bậc thày cả đời sống trong những tỷ lệ tạo hình chuẩn mực, am hiểu cơ thể người và nghệ thuật điêu khắc cách đây mấy trăm năm gần như là không tưởng. Vậy mô tê nó ra làm sao? Khi hầu như nghệ thuật cổ điển châu Âu chỉ loanh quanh ở chủ đề thần thoại Hy Lạp- La Mã sau này thêm Jesus và các thánh tích Thiên Chúa… buộc phải tìm hiểu thôi!

 Atlas tại bảo tàng Archeologico Nazionale, Naples
Số là, sau cuộc chiến thời hỗn mang, phe Zeus thắng thế, các Titan bị đày ải và giam cầm – trong đó Titan Atlas chịu một hình phạt khủng khiếp là gánh đỡ cả vòm trời vĩnh viễn… cho đến một hôm khá lằng nhằng thế này:
Chàng Heracles ( Héc- quyn) thần thánh của chúng ta đang trên đường chinh phục 12 kỳ công, sau 10 lần xuất sắc hoàn thành, lần này chàng nhận được đề bài cực kỳ hiểm hóc: hái trái táo vàng của Hera! Cả thiên đường và địa ngục chỉ có một cây táo, mà khốn nỗi không ai biết nó ở đâu. Sau khi chạy loanh quanh chán chê thậm chí vất vả mưu mẹo để vật ngã người khổng lồ Antaeus cản đường, chàng mới gặp được Atlas – bố của hai nàng tiên canh vườn táo vàng. Nghe Heracles tâm sự - Atlas mủi lòng đồng ý đi hái trộm táo vàng giùm chàng, với điều kiện Heracles thay ông gánh bầu trời trong chốc lát. Tất nhiên là sau khi có táo trên tay trở về, Atlas bỗng nhận ra chả hơi đâu mà gánh mãi bầu trời nặng nề khi đang có kẻ thế chỗ mình, ông bèn bảo Heracles: “ đằng ấy cứ gánh thế giới đi nhé, tớ mang táo vàng về cho lão vua Eurystheus đây!”.
Heracles không phải là tay vừa, chàng giả bộ ngu ngơ “ Ít nhất cũng phải cho tôi chêm cái gối vào cho đỡ đau vai chứ!” thế là Atlas hồ hởi ghé vai vào tiếp tục phận sự. Và chuyện gì sau đó ai cũng biết đấy, Heracles bỏ đi với trái táo vàng trên tay để lại Atlas phía sau vời tiếng gầm thét vang giời… đến tận bây giờ!

Hình tượng Atlas trong các cột trụ hoặc console trong kiến trúc kinh điển hầu hết có hàm ý phô trương quyền lực và những ẩn dụ về sự vững vàng, mạnh mẽ, trường tồn ( khá giống vụ chân rùa nhà mình!). Kiểu cách phổ biến là hình tượng người đàn ông cơ bắp cuồn cuộn đang gắng sức đỡ một trọng lượng cực nặng , nhưng theo thời gian cũng biến tấu đi thành các nhóm nam thần với nhiều tư thế phong phú và thậm chí là nữ thần hay các chủ đề nhiều tính lãng mạn hơn với tên gọi chung là kiểu Atlas…


LEES VIETNAM
Top
Bình luận