Hokusai sinh năm 1760 tại tỉnh Shimosa, Edo (Tokyo ngày nay), Nhật Bản. Cha ông là một thợ làm gương đồng thời là họa sỹ vẽ tranh trang trí. Thừa hưởng tài năng từ cha, khi lên 6 tuổi cậu bé Hokusai đã sớm bộc lộ khả năng của mình và tỏ ra rất đam mê hội họa. Đến năm 14 tuổi, Hokusai được cha cho học tại một xưởng khắc gỗ. Sau 5 năm, ông lại tiếp tục theo học tại Katsukawa Shunsho - một trong những trường dạy nghề khắc gỗ nổi tiếng ở Nhật Bản. Trong quá trình học tập và làm việc ở đây, Hokusai luôn tìm tòi, sáng tạo và không ngừng học hỏi. Ban đầu ông tập trung vẽ tranh phong cảnh nhưng sau đó lại chuyển sang ký họa tất cả những cảnh sinh hoạt đời thường. Với khoảng 30 000 tác phẩm, Hokusai được xem là người có họa phẩm nhiều nhất trên thế giới. Sau những cống hiến to lớn cho hội họa Nhật Bản, ông đã ra đi vào năm 1973 và để lại một kho tàng những tác phẩm quý báu cho nhân loại.
Cuộc đời của Hokusai gắn liền với nghệ thuật tranh khắc gỗ. Ông làm việc không biết mệt mỏi để cống hiến cho nền hội họa nước nhà. Không buộc mình vào khuôn khổ, Hokusai luôn biết cách làm mới, tìm tòi để mang lại những tác phẩm độc đáo, có giá trị. Nhưng nhìn chung tranh của ông luôn toát lên một nội lực phi thường đằng sau những nét vẽ mềm mại uyển chuyển. Đó chính là tinh thần bất khuất, luôn sẵn sàng đối mặt với những khó khăn phía trước và đây cũng chính là đức tính quý báu của người dân Nhật Bản – một đất nước khắc nghiệt mà con người luôn phải chống chọi với thiên tai. Không chỉ nêu cao tinh thần dân tộc, tranh của ông còn thể hiện niềm tự hào của một đất nước có cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt là hình ảnh núi Phú Sĩ - một đề tài quen thuộc trong văn chương và hội họa Nhật Bản. Tuy nhiên với bút pháp điêu luyện của Hokusai, núi Phú Sĩ hiện lên với muôn hình vạn trạng. Có khi ngọn núi lặng lẽ, thanh cao sau những cánh đồng lúa xanh, khi lại hùng vĩ, sừng sững trên nền trời mờ tím và cũng có khi lại bé nhỏ, bất khuất đằng sau những con sóng dữ ngoài biển khơi...Dù ở tác phẩm nào thì bút pháp của Hokusai vẫn rất chính xác, điêu luyện và ẩn đằng sau đó là cả một quá trình chiêm nghiệm thực tế cũng như khả năng cảm nhận đạt đến sự tinh tế, sâu sắc.
The Great Wawe of Kanagawa (1829-1832) Bức họa kinh điển của hội họa Nhật Bản
Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” nằm trong loạt tranh khắc gỗ “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ” là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của Hokusai. Không chỉ là một tác phẩm kinh điển của hội họa Nhật Bản, mà nó còn là biểu tượng cho tinh thần và văn hóa đặc biệt của người Nhật. Tác phẩm miêu tả một con sóng lớn ngoài khơi với những làn sóng hung dữ như thể đang muốn nuốt chửng chiếc thuyền nhỏ bé đang cố vật lộn sinh tử. Thay vì chạy trốn, chiếc thuyền lại lao trực diện vào con sóng như thể hiện tinh thần bất khuất kiên cường của những người ngư dân nói riêng, người Nhật Bản nói chung. Sự sáng tạo của Hokusai trong tác phẩm này chính là tạo ra cấu trúc và sự chuyển động mạnh mẽ của con sóng, đặc biệt là giai điệu dồn dập được thể hiện qua những vệt nước màu xanh thẫm đầy quả quyết. Với bút pháp độc đáo và sáng tạo, “sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” còn được xem là tác phẩm khai sáng cho trường phái nghệ thuật hiện đại phương Tây. Cho đến ngày nay, những tác phẩm của Hokusai vẫn còn vẹn nguyên giá trị và tên tuổi của ông vẫn còn sống mãi với thời gian.