Tadao Ando- kiến trúc sư tài năng của Nhật Bản
Hầu hết những nhân vật xuất chúng đều được nuôi dưỡng tài năng từ nền tảng kiến thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc được thừa hưởng từ những người thân trong gia đình, dòng tộc. Nhưng với Tadao Ando lại khác, không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật và cũng không qua một trường lớp đào tạo nào về kiến trúc nhưng ông luôn là một kiến trúc sư xuất sắc đáng ngưỡng mộ trên toàn thế giới. Ước mơ, hoài bão và cả tài năng của ông đều xuất phát từ sự quan sát tỉ mỉ, tư duy nhạy bén và hơn hết là bằng những trải nghiệm thực tiễn sau chuyến du hành từ Đông sang Tây.
Tadao Ando sinh năm 1941 ở Osaka Nhật Bản. Từ khi còn là một cậu bé 14 tuổi, Ando đã biết giúp nhóm thợ mộc xây dựng mở rộng ngôi nhà của gia đình và chính công việc này đã nuôi dưỡng trong ông một niềm đam mê với nghệ thuật kiến trúc. Ước mơ trở thành một kiến trúc sư luôn rạo rực và thúc giục ông lên đường để trải nghiệm, khám phá những điều thú vị, những công trình tầm cỡ nơi xứ người. Chuyến hành trình từ Đông sang Tây đã giúp Ando nghiệm ra nhiều điều. Bằng những bức hình được chụp lại, những cảm nghĩ ghi trong cuốn sổ tay và bằng niềm đam mê cùng tư duy sắc sảo, nhạy bén, Ando đã hình thành nên những ý tưởng thiết kế của riêng mình. Đến năm 1969, ông thành lập hãng kiến trúc Tadao Ando và cộng sự ở Osaka. Đây cũng là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng với sự xuất hiện của những công trình mang vẻ đẹp diệu kỳ, sống mãi với thời gian. Giải thưởng Pritzker năm 1995 chính là sự công nhận tài năng và những đóng góp to lớn của một con người bé nhỏ - Tadao Ando.
Mỗi một kiến trúc sư đều có triết lý thiết kế và phong cách làm việc của riêng mình. Tadao Ando cũng vậy, ông phát biểu tại lễ trao giải Pritzker “tôi tin rằng kiến trúc không nên nói quá nhiều, nên giữ im lặng và để cho thiên nhiên trong vỏ bọc của ánh sáng, mặt trời và gió lên tiếng”. Ando cho rằng, vẻ đẹp của kiến trúc được tạo ra nhờ sự kết hợp giữa các vật liệu hiện đại và sự diệu kỳ của các yếu tố thiên nhiên đặc biệt là ánh sáng. Đây là kết quả của một quá trình chiêm nghiệm từ khi còn là một cậu bé cho đến khi trở thành một kiến trúc sư tài giỏi như bây giờ. Những công trình của ông thường tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời. Cũng như trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản, ngôi nhà luôn gắn liền với thiên nhiên tạo nên một không gian hòa hợp và đặc sắc.
Nhà thờ ánh sáng là một công trình tiêu biểu đại diện cho triết lý kiến trúc của Tadao Ando. Loại bỏ các chi tiết rườm rà, ông tập trung vào khối bê tông và lợi dụng tính năng bắt sáng của vật liệu này, Ando đục thủng mặt tiền ở hướng Đông tạo thành cây thập giá cho phép ánh sáng có thể xuyên qua chiếu vào nhà thờ. Một cách tiếp cận ánh sáng tinh tế, làm cho chúng ta có cảm giác đang bước vào một không gian siêu thực, cung đường dẫn tới thiên đàng, về gần với Chúa.