Các nhà thiết kế thế giới Kiến trúc sư Norman Foster

Kiến trúc sư Norman Foster

Cập nhật: 17/09/2015
Nếu như Tadao Ando sử dụng ánh sáng và gió để chuyển tải ngôn ngữ của kiến trúc thì Norman Foster lại tận dụng các tính năng nổi bật của thép và kính để phô bày vẻ đẹp hiếm có của công trình. Ông cho rằng ”kiến trúc gần với con người và chất lượng sống. Kiến trúc không thể tự tồn tại tách rời. Chúng ta phải tạo nên những công trình sao cho đó chính là công nghệ và văn hóa”. Với triết lý sâu sắc này, Norman Foster đã mang lại cho chúng ta những điều diệu kỳ tưởng chừng như không thể xảy ra và hơn hết là ban tặng cho nhân loại một kiến trúc sư vĩ đại và đáng kính.

Kiến trúc sư Norman Foster - cha đẻ của kiến trúc công nghệ cao

Norman Foster sinh năm 1935 tại Reddish, Stockport, Anh. Từ khi còn nhỏ, Foster đã luôn ấp ủ hoài bão trở thành một kiến trúc sư tài năng. Ông thường mơ về những chiếc máy bay, xe lửa và thường say sưa, đắm mình trong những nghiên cứu công trình của những kiến trúc sư bậc thầy như: Frank Lloyd Wright và Le Cobusier. Có thể nói rằng đây là những tháng ngày đã hun đúc nên một tài năng kiến trúc cho nhân loại. Cuối cùng ước mơ cũng thành hiện thực khi ông trở thành sinh viên của nghành kiến trúc tại trường Đại học Manchester. Không những thế Foster còn vinh dự nhận được học bổng Henry cho khóa học Thạc sỹ tại trường Đại học Yale danh giá. Bước khởi đầu trong sự nghiệp của ông chính là việc thành lập “Team 4” cùng với Richard Rosgers và Sue Rosgers. Tuy nhiên sau một thời gian không lâu ông đã tách ra khỏi nhóm và cùng Cheesman thành lập nên Foster và cộng sự vào năm 1967. Cho đến nay, Foster và cộng sự đã xây dựng không ít những tòa cao ốc chọc trời đạt đến đỉnh cao của công nghệ hiện đại. Trong đó phải kể đến “Tòa nhà 30 St Mary Axe”, “Mái vòm nhà quốc hội nước Đức”, “Hearst tower” ở New York, Hoa Kỳ, sân bay Chek Lap Kok ( Hongkong)…Song song với những đóng góp to lớn của ông chính là những giải thưởng công nhận một tài năng hiếm có: ông được phong tặng tước Hiệp sỹ năm 1990, nhận được Huân chương danh dự của Hội đồng Anh năm 1997 và đặc biệt là ông đã giành được giải thưởng kiến trúc Pritzker danh giá năm 1999…


Tòa nhà 30 St . Mary Axe độc đáo với hình dạng quả dưa chuột

Có thể nói rằng, tòa nhà 30 St. Mary Axe là một bước đột phá trong kiến trúc hiện đại Châu Âu và là một kiệt tác nghệ thuật của nhân loại. Riêng hình dạng quả dưa chuột khổng lồ đã là một sự sáng tạo tuyệt vời của Foster. Toàn bộ tòa nhà được phủ bằng hai lớp kính để tăng cường chiếu sáng cho các phòng làm việc, thân tháp là những tấm kính được trang trí theo hình xoắn ốc tạo nên một cấu trúc uyển chuyển và độc đáo. Với vẻ đẹp diệu kỳ này, “30 St. Mary Axe” đã xuất hiện trong nhiều bộ phim như: Basic Instinct 2, A good year…


Nội thất tòa nhà 30 St . Mary Axe với tầm nhìn trải rộng khắp London

Hearts Tower đã minh họa cho quan điểm thiết kế của Norman Foster: một công trình chọc trời không nhất thiết phải lập nên kỷ lục về chiều cao, chính sự thông minh trong cấu trúc mới tạo nên điểm nhấn cho công trình. Tòa nhà nổi bật với những khung thép hình tam giác đều nhau như những đường cắt chéo đan xen trên nền kính màu xanh biếc. Điểm đặc biệt là bốn cạnh của tòa nhà là những hình thoi lõm vào nối tiếp từ chân đến đỉnh tạo ra một cấu trúc mới lạ như chiếc bình pha lê xinh xắn.


Tháp Hearst là một tòa nhà ở thành phố New York, Hoa Kỳ , ảnh bên là mô hình 3D của nó

Theo đuổi trường phái kiến trúc hiện đại với công nghệ kỹ thuật cao được gọi là High-tech. Norman Foster đã biến hóa những tấm kính và tấm thép thô trở thành những biểu tượng tuyệt vời của nghệ thuật. Có khi chúng được uốn cong tạo thành một không gian uyển chuyển, linh động nhưng cũng có khi chúng là một không gian trải dài đến vô tận nhờ những mặt kính phẳng được nối tiếp nhau. Các nhà phê bình đã nhận xét ”Ý tưởng của ông còn hơn cả sự không tưởng, nó như một giấc mơ diệu kỳ về không gian”. Mỗi một công trình là sự kết tinh của ý tưởng sáng tạo, khả năng quan sát tinh tế và cả niềm đam mê không giới hạn của Foster. Dù đã hơn 70 tuổi - cái tuổi đáng lẽ ra phải được nghỉ ngơi, an dưỡng sau những tháng năm làm việc mệt nhọc nhưng Foster lại vùi mình vào núi công việc với niềm say mê và sự tận tụy của một kiến trúc sư già.


Trụ sở của Apple ở Cupertino , Hoa Kỳ do Foster&Partners thiết kế
LEE'S VIETNAM
Top
Bình luận