Frank Lloyd Wright
Cập nhật: 16/09/2015
Frank Lloyd Wright được xem là kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại của Mỹ. Với tài năng hiếm có, cùng niềm say mê sáng tạo, Wright đã thiết kế hơn 1000 tòa nhà. Trong đó hơn 400 thiết kế đã được xây dựng và chúng được xem là những tác phẩm kinh điển trong nghành kiến trúc với các yếu tố xúc cảm, sự lãng mạn, không gian và đặc biệt là sự sáng tạo đỉnh cao. Không chỉ là một kiến trúc sư xuất sắc mà ông còn là một nhà thiết kế nội thất tài hoa với những sản phẩm độc đáo, có giá trị.
Fallingwater - Ngôi nhà trên thác, tác phẩm kiến trúc kinh điển gắn liền với tên tuổi của KTS Frank Lloyd Wright
Frank Lloyd Wright ban đầu có tên là Frank Lincon Wright. Ông sinh năm 1867 trong một gia đình khá giả tại một thị trấn nông nghiệp ở Richland Center, tiểu bang Wisconsin, Mỹ. Cha ông là một nhà diễn thuyết đáng kính ở địa phương đồng thời là một giáo viên dạy nhạc còn mẹ ông là một giáo viên thuộc dòng họ danh giá và giàu có - Lloyd Jones. Với mong muốn con trai khi lớn lên sẽ xây dựng những tòa nhà tuyệt đẹp nên từ nhỏ cậu bé Wright đã được mẹ nuôi dưỡng tâm hồn bằng những đồ chơi xếp hình khối và cả những bản vẽ dán khắp phòng được xé ra từ những tờ tạp chí. Wright tỏ ra rất thích thú và say mê với những trò chơi đầy sáng tạo này và đây cũng chính là nền tảng góp phần vào sự thành công sau này của ông. Vào năm 14 tuổi, cha mẹ của ông ly thân Wright sống với mẹ và quyết định đổi tên lót Lincoln thành Lloyad theo họ của mẹ. Cũng từ đây, ông trở thành người trụ cột, gánh vác trọng trách tài chính trong gia đình.
Bảo tàng Guggenheim New York Normal (1959)
Năm 1886, Wright được nhận vào học nghành mỹ học tại trường đại học Wiconsin. Ông học khóa học bán thời gian trong hai học kỳ và cũng trong khoảng thời gian này ông còn làm việc với giáo sư dân dụng Allan D. Conover. Sau khi rời trường, Wright đến Chicago tìm việc. Sau vài buổi phỏng vấn ông được nhận làm thiết kế cho cho một công ty kiến trúc của Joseph Lyman Silsbee. Tại đây ông có cơ hội tiếp xúc với các kiến trúc sư giỏi như: Adler, Sullivan và được giao thiết kế các khu dân cư, trụ sở làm việc cơ bản và đây chính là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp của ông. Sau quá trình làm việc lâu dài với những kinh nghiệm quý báu tích lũy được, Wright quyết định phát triển sự nghiệp theo cách riêng của mình. Với niềm đam mê và sự sáng tạo không ngừng, tài năng của Wright đã được cả thế giới đón nhận và ngưỡng mộ bởi những công trình vĩ đại như: “Bảo tàng Guggenheim New York”, ”Price Tower”, “Giáo đường Beth Sholom Congregation”, “Residence Fallingwater” ở Mill Run…
Giáo đường Beth Sholom Congregation (1959)
Là một kiến trúc sư đại diện cho phong cách kiến trúc hiện đại Châu Âu nhưng Wright luôn khác biệt và luôn tạo cho mình một phong cách làm việc riêng. Trong khi những kiến trúc sư khác ưa thích sử dụng các vật liệu tổng hợp hiện đại thì Wright lại lấy chất liệu tự nhiên làm nền tảng cho kiến trúc của mình và ông gọi đó là triết lý “Kiến trúc hữu cơ”. Wright từng nói “ Hình thức chạy theo công năng- điều này rõ là hiểu lầm. Hình thức và công năng phải là một hài hòa trong sự hợp nhất tuyệt diệu”. Với ông, việc thiết kế cấu trúc phải dựa trên sự hài hòa giữa con người và môi trường xung quanh vì vậy các công trình kiến trúc của Wright luôn chứa những yếu tố của thơ, nhạc, những âm thanh muôn màu và những diệu kỳ của cuộc sống. Biệt thự Falling water là minh chứng rõ ràng nhất cho triết lý này, đồng thời nó còn được xem là một trong những công trình vĩ đại nhất mọi thời đại của kiến trúc Mỹ. Bên cạnh đó, Wright còn cho rằng để trở thành một nhà thiết kế xuất sắc ngoài tài năng trời phú cần có niềm đam mê và lòng yêu nghề. Đây cũng chính là thông điệp mà ông muốn gửi gắm qua câu nói ”Hãy đừng để cho bất kỳ ai trong các bạn bước vào nghề kiến trúc chỉ vì muốn kiếm sống nếu bạn chưa sẵn sàng xả thân vì nó, hãy trung thành với nó như một người mẹ, một người bạn và như chính bản thân mình”.
Falling Water đã trở thành một trong những bài tập vẽ diễn họa và nghiên cứu cấu trúc phổ biến khắp thế giới
Không riêng gì những công trình kiến trúc mà những sản phẩm nội thất cũng thể hiện một cách rõ ràng triết lý thiết kế cũng như tài năng hiếm có của Wright. Trong đó phải kể đến chiếc ghế “Barrel chair”. “Barrel chair” là loại ghế đơn được làm từ gỗ anh đào, có thiết kế đặc trưng là phần lưng tựa và phần để tay có xu thế tạo thành một cung tròn. Tâm của cung tròn chính là trọng tâm về khí của người ngồi- huyệt đan điền. Dưới tư duy hình khối của Wright, thiết kế toát lên được vẻ quyền uy, kiêu sa đầy tinh tế và chiếc ghế này là một trong những món nội thất sang trọng được Wright dùng trong biệt thự Falling water- tuyệt tác của mọi thời đại.
Với những cống hiến to lớn của mình, cho đến ngày nay Frank Lloyd Wright vẫn là một trong những nhân vật đáng kính và được ngưỡng mộ nhất của giới kiến trúc Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.
LEE'S VIETNAM