Giống như cụm từ V.I.P (dân mình đọc là víp!) đang được dùng tràn lan, từ quán ăn cho đến nhà nghỉ có máy lạnh. Luxury không phải là một phong cách trang trí nội thất, nó chỉ là một từ chỉ sự xa xỉ, sang trọng và chắc chắn là phải đắt tiền. Từ điển trực tuyến thefreedictionary.com định nghĩa bằng tiếng La-tinh: Luxus có nghĩa là sự dư thừa, sang trọng , gần nghĩa với lãng phí và không phải là một nhu cầu tất yếu.
Vậy giống một chiếc xe Rolls royce đắt tiền, một không gian “Luxury” phải đạt được các yếu tố cực đỉnh của sự xa hoa, tiện nghi vượt ngưỡng và tiêu tốn những số tiền khổng lồ vào việc hoàn thiện nó.
Ở Việt Nam chưa có không gian nào gọi là Luxury! Không phải là chúng ta
không có đủ tiền mà vì chúng ta không có văn hóa tiêu xài những thứ xa
xỉ như vậy. Trang trí nội thất vốn dĩ thuộc về nghệ thuật, nó không thể
lượng hóa một cách chính xác như công nghiệp sản xuất ô tô. Các phong
cách như Gothic, Baroque, Rococo, Tân - cổ điển, Louis...về cơ bản là
những trào lưu trang trí được phát triển dựa trên sự ảnh hưởng của thời
đại, triều đại mà nó song hành. Nó không dùng để phân loại hay đặt tên
cho tất cả các chi tiết ,các thành phần hay bản thân không gian trang
trí nội thất. Đôi khi người ta thiết kế một chiếc ghế có kiểu dáng rất
đặc trưng của phong cách Louis, chúng ta có thể bình luận rằng “ nó được
vẽ theo phong cách Louis!” thế thôi! Đừng nghĩ rằng nó cần phải đặt
trong một hành lang kiểu cung điện Versailles – vì đó có thể là một thảm
họa của thời đại này. Một số khách hàng luôn khăng khăng đã thiết kế cổ
điển thì nhất định phải theo một phong cách nào đó, hoặc nguy hiểm hơn
là một kiến trúc sư có thể giải thích cho khách hàng rằng phong cách Tân
cổ điển (Néo-classicisme) có nghĩa là “vừa mới vừa cũ”, nghĩa là “có
phào chỉ nhưng ít đục chạm!”. Tân cổ điển đơn giản là làm mới lại một
thời kỳ huy hoàng của nghệ thuật đã qua, khôi phục và nâng tầm nó, tuyệt
nhiên không phải là làm cho nó bớt rườm rà hay đơn giản hóa chi tiết
đi.
Sự cầu kỳ xa xỉ trong các công trình trang trí của Châu Âu từ thời kỳ
Phục Hưng cho đến tận những năm cuối thế kỷ 18 hầu hết là những sự tiếp
nối ,học hỏi hoặc phủ định lẫn nhau, nhưng yếu tố tương đồng về văn hóa,
chính trị ,cùng với ý thức bảo tồn và nghiên cứu có hệ thống của những
bậc thầy xuất sắc, giúp cho nền nghệ thuật kiến trúc và trang trí Châu
Âu có một thứ ngữ pháp hết sức mạch lạc, rõ ràng , tạo nên một sức ảnh
hưởng lớn lên phạm vi toàn thế giới. Năm 1664 Louis 14 đã giao cho kiến
trúc sư Le Vau xây lại cung điện Verseilles. Nhà vua muốn cung điện của mình
phải vượt trội hơn những cung điện đã có trước đấy về quy mô cũng như vẻ
lộng lẫy. Thế là suốt trong nhiều giai đoạn liên tiếp trong các thế kỷ
17 và 18, công việc xây dựng cung điện và vườn hoa trở thành hoạt động
cơ bản của những người xây dựng thời ấy. Thậm chí chỉ riêng một đề tài
“hoàng đế khải hoàn” đã trở thành mối chuyên tâm của hầu hết các họa sỹ,
các nhà điêu khắc lớn thời đó. Cung điện Versailles trở thành hình mẫu
trang trí nhà cửa , khách sạn cho giới quý tộc Paris và khắp nước Pháp.
Phòng Gương(Gallerie de Glaces) cung điện Versailles
Xung quanh câu chuyện này là một câu trả lời : Luxury - nó là một quan
niệm. Hãy nhìn không gian Phòng Gương Lebrun cung điện Versailles: dài
73m, có tới 357 miếng gương ghép thành những tấm gương cực lớn có khung
được mạ vàng, phản xạ ánh sáng của hàng chục giàn đèn pha lê, bạn phải
nhớ rằng vào thời kỳ đó, gương cực đắt, suốt 2 bên vách là 24 bức tượng
cầm nến thiếp vàng, vòm trần bằng gỗ thiếp vàng được vẽ các chủ đề ca
ngợi đức vua, sàn nhà làm bằng gỗ quý ghép từ nhiều mảnh trang trí khác
nhau. Chỉ riêng nhân công hoàn thiện không gian này hàng năm đã lên tới
con số chục ngàn! Chúng ta có thể hình dung không gian của một buổi dạ
tiệc diễn ra tại đây, dưới ánh sáng của hàng ngàn ngọn nến , phản chiếu
rực rỡ bởi những tấm gương, lấp lánh bởi vàng, pha lê và đá cẩm thạch.
Chỉ có thể nói : choáng ngợp! Những thứ được tạo nên từ dư thừa của cải
và quyền lực luôn có một điểm chung: đó là sự thái quá!. Mọi chi tiết
cấu thành nên không gian đó luôn ở một tiêu chuẩn cao nhất , từ vật liệu
cho đến tay nghề thợ và dưới sự nhào nặn của một kiến trúc sư bậc thày
(đôi khi gồm cả những ý thích quái gở của chủ nhân nữa ). Những tiêu
chuẩn cao ấy phải được xã hội thời ấy công nhận, được chắt lọc từ những
vùng nguyên liệu độc nhất, từ những kỹ thuật truyền thống được khẳng
định qua nhiều thế hệ , hay bậc thày được công nhận bởi những kiệt tác
từng thực hiện. Tất cả những thứ đó chỉ để phục vụ tốt nhất cuộc sống
của chủ nhân – một cuộc sống xa xỉ của tầng lớp thượng lưu.
Trong thời đại ngày nay, quan niệm về Luxury vẫn còn đó nhưng đã khác
biệt đi rất nhiều, chủ yếu là do sự phát triển của khoa học kỹ thuật,
đặc biệt là kỹ thuật số. Các dinh thự siêu sang của những tỷ phú hay các
ngôi sao điện ảnh giờ đây không chỉ có những phòng khách được ốp đã cẩm
thạch hay lò sưởi bằng tuyết tùng hàng trăm năm tuổi mà còn được trang
bị thêm những thiết bị bảo vệ , giám sát tinh vi, những màn hình tivi
siêu mỏng độ phân giải cao công nghệ tiên tiến nhất, bồn tắm massage
được trang bị cả cảm biến y tế hay hệ thống điều khiển từ xa cả dinh thự
chỉ thông qua một chiếc điện thoại nhỏ. Các kiến trúc sư vẫn sử dụng
những ngôn ngữ kiến trúc và trang trí truyền thống , những chi tiết vẫn
được cắt gọt, tỉa tót cầu kỳ , thậm chí còn đẹp và sắc nét hơn dưới sự
hỗ trợ của máy móc tinh vi. Phong cách hiện đại hay sự pha trộn văn hóa ,
thậm chí là những giấc mơ đế vương cũng đang ở thời kỳ lên ngôi. Chưa
bao giờ mà chúng ta thấy người ta có thể dát vàng cho nhiều thứ như thế,
từ một khoang máy bay , một phòng khách, một chiếc xe cho đến chiếc
điện thoại thông minh.
Vậy cụ thể những tiêu chí nào sẽ tạo nên một không gian đủ tầm gọi là
Luxury ?. Tất nhiên sẽ không có câu trả lời chính xác và đầy đủ, nhưng
chúng ta có thể lắng nghe câu trả lời từ kiến trúc sư Landry – một
chuyên gia kiến tạo không gian siêu sang : “đó là sự kết hợp ngoại hạng
của những giá trị lịch sử và tiêu chí cao nhất trong cuộc sống đương đại
– đó là Luxury”.