Paints Pieta - Kiệt tác bất hủ

Pieta - Kiệt tác bất hủ

Update: 23/08/2015
Đặt ở một góc trang trọng trong nhà thờ thánh Peter Basillical (Vatican-Roma) Pieta (Tượng Đức Mẹ Sầu Bi) là một kiệt tác điêu khắc của nhân loại. Kết tinh của tài năng phi thường, nỗi thổn thức và sự đồng cảm đạt tới mức thần thánh trong niềm tin tôn giáo.

Nhóm tượng Pieta - Michelangelo (1498-1500)
Từ xa xưa, “Pieta” luôn là chủ đề thu hút đông đảo các nghệ sỹ tài hoa trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc,đã có không ít phiên bản với những kích thước và vật liệu khác nhau như: “Pieta” tượng gỗ của Vesperbild Schwaben, tranh “Pieta” của họa sỹ Luis de Morales, tượng gỗ “Pieta” của Gregorio Fernandez…. Hầu hết những phiên bản này đều tập trung thể hiện sự bi thương, thống thiết về cảnh Đức Mẹ đồng trinh ôm xác chúa Jesus.


Hình ảnh thống thiết - bi thương trong các phiên bản Pieta truyền thống. Tuy nhiên thoát khỏi mô thức quen thuộc này, bức tượng điêu khắc “Pieta” của Michelangelo thật sự đã làm lay động lòng người khi đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và tầm sâu thẳm của ý nghĩa.
Michelangelo là một trong những nhân vật vĩ đại thời kỳ Phục Hưng, đồng thời ông là một người có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là điêu khắc. Bức tượng bằng đá cẩm thạch Pieta được thực hiện khi ông mới chỉ là một chàng thanh niên 25 tuổi và đây là nhiệm vụ cao cả mà Giáo hoàng đã giao cho ông với mong muốn “không một nghệ sỹ nào có thể dễ dàng vượt qua”. Sau hai năm làm việc miệt mài, Michelangelo đã không phụ lòng mong đợi của Giáo hoàng và dân chúng nơi đây. Ông đã khiến những người chiêm ngưỡng không thể kìm nén sự xúc động trước bức tượng vĩ đại này. Nhất là các bà cụ già và các thiếu phụ ngoan đạo đã quỳ rạp dưới chân tượng, thổn thức vì đau đớn.

Pieta của Michelangelo hoàn toàn khác với những Pieta đã có. Tuy cùng mô tả cảnh Đức Mẹ đồng trinh ôm xác Chúa Jesus nhưng Pieta của ông không chỉ thể hiện sự điêu luyện và xuất sắc trong kỹ thuật điêu khắc mà còn mang một ý nghĩa hết sức lớn lao. Hình ảnh của Đức Mẹ Đồng Trinh trong bức tượng là một người phụ nữ có vẻ đẹp thánh thiện, bao dung. Mẹ ngồi với tư thế vững chãi, hai tay ôm lấy xác Chúa Jesus vào lòng thể hiện tình yêu thương bao la rộng lớn của người mẹ sẵn sàng che chở, bảo vệ cho con. Hai mắt Mẹ nhắm nghiền với vẻ mặt tĩnh lặng và nghiêm nghị như kìm nén nỗi đau sâu thẳm khi mất đứa con trai duy nhất. Dù vậy, bàn tay phải của Mẹ mở ra như muốn giải thoát cho Chúa khỏi những ưu phiền sầu muộn của trần gian để đi về cõi vĩnh hằng. Nỗi đau của Đức Mẹ là nỗi đau là của thần thánh, không có những giọt nước mắt hay những lời khóc than nhưng ẩn sau bên trong là một nỗi đau không diễn tả thành lời. Có thể nỗi đau ấy chứa đựng sự bao dung cao cả và sự nhân từ độ lượng. Trái ngược với vẻ sầu muộn của Đức Mẹ, Chúa Jesus dù mang một thân hình thảm thương vì phải chịu nỗi đau đớn về thể xác nhưng gương mặt của Người có vẻ rất thanh thản. Có lẽ Chúa đang bình yên trong sự che chở yêu thương của người mẹ hiền. Cơ thể Người thả lỏng, tay buông thõng xuống như đang trút bỏ mọi ưu phiền nơi trần gian và thanh thản đi về cõi vĩnh hằng.



Những chi tiết chân thực tới mức phi phàm - 25 Tuổi để thực hiện tác phẩm này Michel thực sự là một thiên tài!

Không chỉ lay động lòng người bởi ý nghĩa sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng mà bức tượng còn là một minh chứng cho tài năng xuất chúng cũng như sự am hiểu sâu sắc về giải phẫu học của Michelagngelo. Từ một khối đá to lớn vô hồn ông đã biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật sống động trong từng chi tiết. Chiếc váy của Mẹ với những nếp gấp tinh tế như thể đang chịu sức nặng từ cơ thể con trai, cánh tay Chúa thả lỏng buông bỏ, khuôn mặt như đang say ngủ, cơ thể cân đối đẹp đẽ với từng múi thịt làn da…Tất cả đều chân thực tới mức tưởng chừng như Đức Mẹ và Chúa đang xuất hiện thật trước mắt chúng ta. Nếu tới Roma - Vatican hãy nhớ chiêm ngưỡng nhóm tượng thần thánh này nhé các bạn!

( Bài viết bao gồm cả ý kiến chủ quan của người viết và sự tham khảo từ nhiều nguồn , đặc biệt là hình ảnh từ Internet mà chúng tôi không thể trích dẫn hết tại đây)

LEE'S VIETNAM
Top
Comments