Light & Sound Xử lý âm học cho phòng nghe nhạc

Xử lý âm học cho phòng nghe nhạc

Update: 06/03/2016
Để tạo được một không gian nghe nhạc cao cấp, ngoài việc chọn được địa điểm lý tưởng cũng như có sự bố trí loa hợp lý, bạn cần phải xử lý một số vấn đề liên quan đến âm học ví dụ như: giảm hiện tượng ù, dội âm, ngăn nhiễu âm, sóng đứng ảnh hưởng đến đáp ứng tần số của phòng nghe hoặc tiêu âm, tán âm trong phòng để tránh hiện tượng ù, tiếng vọng…..

Hạn chế sóng đứng

Để hạn chế hiện tượng sóng đứng, bạn có thể sử dụng một số cách trong đó bố trí loa được xem là giải pháp tối ưu cho vấn đề này. Để có âm bass sâu hơn và dải trầm mượt mà hơn, việc đặt loa đúng chỗ cần tính toán đến khoảng cách với các bức tường có thể giảm hiệu ứng cộng hưởng âm hóc từ phòng nghe. Bạn nên đặt loa cách tường sau ở vị trí 1/3 chiều dài của căn phòng. Trong trường hợp thực tế không cho phép, bạn cũng có thể bố trí loa ở vị trí 1/5 của căn phòng. Cả hai vị trí này có tác dụng giảm sự hiện hữu của sóng đứng. lý tưởng nhất là áp dụng quy tắc 1/3 cho vị trí loa và 2/3 cho vị trí ngồi nghe(ngồi nghe ở điểm 2/3 chiều dài của căn phòng).

Bên cạnh việc sử dụng quy tắc trên, bạn có thể sử dụng chương trình máy tính có tên “Room optimizer” do RPG Diffusor System phát kiến. Khi truy cập vào website này, người dùng sẽ nghe thử đoạn nhạc nguyên bản và cũng đoạn nhạc đó sau khi cộng hưởng vào phòng và sau khi đặt loa, ghế nghe nhạc vào vị trí tối ưu. Qua đó người nghe có thể cảm nhận rõ ràng hiệu quả của việc xác định vị trí tối ưu cho loa và người nghe. Chương trình sẽ tổng hợp thông tin như: kích thước phòng, loại loa, vị trí của loa woofer trong thùng, phần mềm sẽ tính toán và đưa ra kết quả tối ưu cho vị trí loa và vị trí người ngồi.

Tiêu âm

Tiêu âm dùng để điều khiển phản xạ của những âm thanh có tần số cao và trung, giúp âm thanh trở nên trong trẻo, mượt mà hơn. Vật liệu tiêu âm thường là vật liệu nhẹ, xốp có nhiều lỗ thông khí để âm thanh dễ dàng lọt ra ngoài. Khi âm thanh truyền đến bề mặt của những vật liệu, chỉ còn lại một phần nhỏ của sóng âm phản xạ lại trong căn phòng. Đối với các vật liệu tiêu âm, nguyên tắc chung là càng dày thì hiệu quả tiêu âm tần số thấp càng tốt. Như vậy tấm sợi kính loại 703 dày 1 inch hấp thụ đến tần số 500 HZ, nếu dày 2 inches chúng sẽ hấp thu tới 250 HZ…

Dựa theo cách bố trí loa, kích cỡ loa, người ta có thể tính toán đặt các tiêu âm như thế nào cho phù hợp. Thông thường sẽ đặt tiêu âm sau loa, cạnh hông loa, các mảng tường song song, tường sau lưng người nghe…Để việc tiêu âm có hiệu quả, bạn cũng nên bố trí thêm thảm dù sàn lát gạch men hay gỗ. Bên cạnh đó hãy bố trí ghế sofa, ghế đệm để hỗ trợ thêm cho quá trình này.

Tán âm

Tán âm chính là việc điều hướng sóng âm theo nhiều hướng khác nhau để tạo ra âm thanh chân thực hơn. Ngoài ra, tán âm còn có mục đích quan trọng trong phòng thu là giảm sự chồng chéo nốt của các nhạc cụ đang được thu đồng thời và những tấm tán âm thường được dùng kèm với tiêu âm để chế ngự hiện tượng dội âm. Vật liệu tán âm thường có dạng đặc, bề mặt xù xì hoặc dạng gỗ tấm đóng thành hộp rỗng và bố trí quanh căn phòng.

Nếu chỉ tiêu âm hoàn toàn một căn phòng là làm “chết” hoàn toàn âm thanh. Để âm thanh nổi hơn, “sống” hơn, không thể thiếu kĩ thuật tán âm. Phòng nghe lý tưởng nên là sự hòa trộn của các mặt phẳng hấp thu và phản xạ âm thanh. Khái niệm “sống” (tán âm) hay “chết” (tiêu âm) ở đây được dành cho các tần số trung và cao.

Có rất nhiều cách khác nhau để bố trí các loại vật liệu xử lý âm học như trên nhưng có một nguyên tắc cân bằng. Nghĩa là bạn cần phối hợp các loại vật liệu sao cho âm thanh bị hấp thụ vừa phải và bị phản lại cũng vừa phải, hay nói cách khác là không nên bố trí thật nhiều vật liệu dạng này mà bỏ quên dạng kia. Tốt nhất là bố trí xen kẽ các tấm vật liệu tiêu âm và tán âm xen kẽ nhau chạy dọc 2 bên và phía sau vị trí ngồi nghe để có hiệu ứng âm thanh tự nhiên nhất.


LEES VIETNAM
Top
Comments